26 Tháng Bảy, 2017

Hướng dẫn sử dụng Gas an toàn

1. Lắp đặt và sử dụng bình Gas dân dụng 12kg:

1.1. Lắp đặt bình Gas dân dụng 12kg:

– Bình Gas phải được lắp đặt ở trạng thái thẳng đứng khi sử dụng.

– Phải để nơi thoáng khí dễ thấy.

– Phải cách xa nguồn nhiệt và nơi có thể phát sinh tia lửa (bếp Gas, các thiết bị điện, ổ cắm,công tắc…) tối thiểu 1,5 m.

– Sau khi chọn được vị trí đặt bình Gas, tiến hành lắp điều áp và nối ống mềm bằng kẹp. Điều áp trước khi lắp vào van của bình Gas phải được kiểm tra và đặt ở trạng thái đóng. Với điều áp bình 12 kg van đứng dạng “Click- on” chỉ cần kéo vành nhựa phía dưới van và ấn van vào bình Gas. Sau đó ấn vành nhựa xuống, kiểm tra xem điều áp đã lắp đặt chưa bằng cách xoay và nhấc nhẹ điều áp lên, nếu thấy chặt và không bị rời ra thì điều áp đã được lắp đặt.

Điều áp van đứng bình Gas 12kg dạng ”Click-on”

– Lắp ống mềm dẫn Gas vào điều áp: Kẹp chặt bằng kẹp ống mềm tiêu chuẩn và dây dẫn đến thiết bị sử dụng. Chú ý dây dẫn phải gọn gàng, tránh nguồn nhiệt, tránh dầu mỡ, hóa chất ăn mòn, gây lão hóa… Tốt nhất là lồng ống Gas trong ống nhựa mềm để tăng tuổi thọ ống dẫn Gas.

– Với điều áp thông thường dùng cho van bình 12 kg van ngang, có liên kết ren với van bình vặn bằng tay bằng ren trái: Khi lắp van điều áp này chỉ cần vặn ren điều áp trực tiếp vào van bình.

Điều áp van ngang bình Gas 12kg dạng vặn bằng tay

* Chú ý: Đa số sự cố rò rỉ Gas trong bếp xảy ra ở mối liên kết giữa điều áp và van bình. Do đó, khi lắp đặt mới hay khi thay bình Gas bắt buộc phải kiểm tra mối liên kết van bình – điều áp bằng nước xà phòng sau khi mở van bình để tăng áp tại mối nối.

1.2. Lắp đặt bếp Gas dân dụng:

– Bếp Gas đặt ở nơi thông thoáng, nhưng tránh gió lùa trực tiếp, nơi ẩm ướt hoặc có hóa chất ăn mòn.

– Bếp cách mặt tường các bên 15 cm, cách các vật treo phía trên tối thiểu 1,5 m.

– Bếp không nên đặt gần cửa sổ vì gió to có thể làm tắt ngọn lửa mà người sử dụng không biết, Gas tiếp tục xì ra và nếu có ngọn lửa thì rất nguy hiểm.

1.3. Sử dụng bếp Gas tại gia đình:

– Khi bật bếp, mở van bình/van điều áp trước, sau đó mới bật bếp. Khi tắt bếp thao tác ngược lại, đóng van bình/van điều áp trước, van bếp sau để Gas trong đường ống cháy hết.

– Khi bật bếp đánh lửa, bếp không cháy thì cần phải chờ phân tán hết hơi Gas còn tập trung mới được bật lại tránh ngọn lửa bùng to nguy hiểm. Đặc biệt lưu ý điều này khi bật lò nướng: Phải mở cửa lò và kéo dài thời gian chờ bật lại vì không gian trong lò kín, hơi Gas khó phân tán.

– Nếu lửa tắt vì lý do nào đó mà người sử dụng không biết thì lập tức đóng van bình, mở rộng các cửa cho thoáng khí, cách ly an toàn với ngọn lửa trần. Tuyệt đối không bật lại bếp, bật quạt thông gió hay bất kỳ dụng cụ điện nào, tránh phát sinh tia lửa điện có thể làm Gas bắt cháy. Chỉ bật lại bếp khi đã hết mùi Gas.

2. Xử lý sự cố khi xảy ra rò rỉ Gas hoặc hỏa hoạn:

2.1. Xử lý ban đầu khi có rò rỉ Gas trên hệ thống:

– Tắt ngay các nguồn lửa, tắt bếp Gas, đóng khóa tất cả các van bình Gas, van khóa gạt trên hệ thống

– Yêu cầu những người không có nhiệm vụ bình tĩnh rời khỏi khu vực nguy hiểm.

– Sử dụng các phương tiện để cách ly nguồn sinh lửa.

– Tuyệt đối không sử dụng diêm, bật tắt công tắc điện, khởi động xe máy,…

– Sử dụng máy điện thoại ngoài khu vực nguy hiểm để báo cho nhà cung cấp.

– Mở cửa sổ, cửa ra vào để có độ thông thoáng lớn nhất.

– Xử lý xong rò rỉ mới được sử dụng Gas.

– Cảnh giới tại khu vực bình Gas rò rỉ, sử dụng máy điện thoại ngoài khu vực nguy hiểm để thông báo cho các cửa hàng, đại lý nơi cấp Gas, hoặc cơ quan PCCC để có biện pháp xử lý.

2.2. Các hành động khẩn cấp khi phát hiện mùi Gas:

– Không bật tắt các thiết bị điện, không bật các nguồn lửa như: bếp Gas, bật lửa…

– Đóng van bình gas hoặc tháo điều áp đối với van bình tự đóng.

– Cảnh giới và thông báo cho những người xung quanh biết đề ngăn ngừa hơi gas tiếp xúc với nguồn lửa, tia lửa điện.

– Mở cửa thông thoáng tự nhiên khu vực rò gas để hơi gas phân tán (không dùng quạt điện và quạt thông gió chạy điện).

– Với chỗ rò nhỏ cần tìm ngay vị trí rò bằng nước xà phòng và có biện pháp hạn chế lượng gas thóat ra ngoài (VD: dùng dây cao su cuộn chặt, dùng keo, xà phòng bịt chỗ rò…).

– Gọi điện báo ngay cho cơ sở cung cấp gas để có giải pháp xử lý toàn diện, đảm bảo an toàn.

– Nếu có điều kiện, người tiêu dùng nên sử dụng máy báo rò gas loại nhỏ cho gia đình, lắp trong hộc tủ bếp gần bình gas và phụ kiện, cách nền nhà 25cm.

2.3. Các hành động khẩn cấp khi xảy ra cháy:

– Đóng van bếp hoặc van bình để cắt nguồn cung cấp Gas từ bình.

– Chuyển bình Gas ra vị trí an toàn.

– Nếu không thể di chuyển bình Gas ra khỏi vị trí an toàn, phải phun thật nhiều nước lên bình Gas để làm mát. Đây là nguyên tắc để hạn chế Gas xả ra từ van an toàn và đảm bảo kết cấu thép chịu được nhiệt độ cao, không bị phá hủy.

– Báo động cháy, gọi điện ngay tới đội chữa cháy gần nhất, đồng thời dùng các trang thiết bị cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.

– Khi đội cứu hỏa đến phải báo ngay địa điểm đám cháy, vị trí đặt bình Gas cũng như các vật liệu dễ cháy khác.

– Nếu ngọn lửa đã dập tắt mà hơi Gas vẫn thoát ra thì tiếp tục xử lý như mục 2.1.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button
X